Nguồn: Sasha Lezhnev và John Prendergast, “The Deadly Global Gold Rush,” Foreign Affairs, 19/05/2025
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Hàng năm, một lượng vàng bất hợp pháp trị giá hơn 30 tỷ USD đã được tuồn khắp thế giới, bao gồm vàng có nguồn gốc từ các khu vực xung đột và các quốc gia độc tài. Phần lớn số vàng này được buôn lậu đến các trung tâm giao dịch vàng như Dubai hoặc Hong Kong trước khi âm thầm len lỏi vào thị trường toàn cầu. Khác với buôn bán ma túy, nhiều người ở phương Tây không xem việc buôn bán vàng bất hợp pháp là vấn đề khẩn cấp, bởi vì nạn nhân chính của nó không nằm ở các quốc gia giàu có. Tuy nhiên, hoạt động này đang tiếp tay cho những cuộc khủng hoảng chết người trên khắp thế giới. Nó đang tài trợ cho cả hai phe trong cuộc nội chiến Sudan; chế độ độc tài của Nicolás Maduro ở Venezuela; các mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia, chẳng hạn như Tren de Aragua của Venezuela, mà gần đây đã bị Mỹ chỉ định là một tổ chức khủng bố nước ngoài; nhiều nhóm vũ trang ở Cộng hòa Dân chủ Congo; và cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Trong thập kỷ vừa qua, giá vàng đã tăng gần gấp ba lần, đạt mức cao kỷ lục vào đầu tháng này. Người ta có thể dễ dàng buôn lậu số vàng trị giá hơn 1 triệu USD chỉ trong một chiếc cặp táp, và cầu về vàng sẽ luôn cao vì nó có giá trị phổ quát, chứ không như các loại khoáng sản thiết yếu khác. Vàng bất hợp pháp cũng có thể được nấu chảy và đưa vào các thị trường chính thức cùng với vàng khai thác hợp pháp. Hậu quả là, những kẻ đầu cơ đang tìm kiếm và khai thác vàng trong những điều kiện vô nhân đạo và môi trường ngày càng tồi tệ.
Hoạt động buôn bán vàng bất hợp pháp ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia Mỹ vì nó đang tiếp tay cho các xung đột vũ trang và các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia. Và vì vàng đang được “rửa” để chuyển vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nó chứa đựng rủi ro kinh doanh toàn cầu đối với các ngân hàng, công ty công nghệ, và thợ kim hoàn. Không chỉ Mỹ, mà các tổ chức tài chính toàn cầu, các cơ quan quản lý, và các đồng minh của Mỹ như Anh và Liên minh Châu Âu, cũng có khả năng giúp hạn chế hoạt động buôn bán này. Và họ phải sử dụng chúng.
Các bên liên quan này cần hỗ trợ việc cải cách các trung tâm giao dịch vàng lớn nhất – nơi phần lớn vàng bất hợp pháp được rửa sạch – chủ yếu là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), nhưng cũng bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Thụy Sĩ, và Thổ Nhĩ Kỳ. UAE là đặc biệt đáng lo ngại. Năm 2022, quốc gia này đã nhập khẩu và tinh chế khoảng 400 tấn vàng lậu trước khi bán chúng ra thị trường toàn cầu. Các ngân hàng và cơ quan quản lý có thể tìm thấy những đối tác địa phương sẵn lòng hợp tác: một số trung tâm giao dịch đang phải đối mặt với rào cản tài chính do nạn buôn lậu và các vấn đề rửa tiền khác, và họ muốn nâng cao uy tín của mình trong hệ thống tài chính toàn cầu. Nếu họ đáp ứng các tiêu chuẩn thẩm định cần thiết, thì các ngân hàng và cơ quan quản lý nên đưa ra các ưu đãi tài chính cho nhóm trung tâm này, bao gồm các đánh giá tích cực và tư cách thành viên trong các tổ chức vàng toàn cầu, qua đó cải thiện danh tiếng và tăng thị phần giao dịch toàn cầu của họ.
Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Ngoại trưởng Marco Rubio, cũng nên hợp tác với ngành công nghiệp vàng để thiết lập và lãnh đạo một sáng kiến công tư chống vàng bất hợp pháp có thể công bố dữ liệu thời gian thực về hoạt động buôn bán vàng, đồng thời giám sát và chứng nhận độc lập các trung tâm giao dịch. Rubio, cùng với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, nên thành lập một lực lượng đặc nhiệm chống vàng bất hợp pháp để có thể điều tra và trừng phạt các mạng lưới buôn bán vàng và trao đổi dữ liệu về các mạng lưới này với các ngân hàng và nhà tinh chế kim loại. Nếu không có các biện pháp như vậy, vàng bất hợp pháp sẽ tiếp tục thâm nhập vào thị trường toàn cầu và tài trợ cho các băng đảng tội phạm và chiến tranh.
VÀNG “KHÔNG TIÊU CHUẨN”
Dù vàng khai thác thủ công mang lại sinh kế cho nhiều cộng đồng khai thác mỏ ở nhiều quốc gia, nhưng có không ít mỏ quy mô nhỏ đang nằm ở các khu vực xung đột hoặc các quốc gia độc tài thường sử dụng lao động trẻ em, thậm chí là trẻ chỉ mới tám tuổi, và gây hại cho môi trường bằng cách sử dụng các hóa chất ăn mòn, bao gồm thủy ngân và xyanua. Vàng từ những mỏ này sau đó được buôn lậu sang các nước láng giềng để tinh chế bước đầu, trước khi được vận chuyển hoặc buôn lậu đến một nhà máy tinh chế ở các trung tâm giao dịch vàng toàn cầu – thường là Dubai hoặc Hong Kong.. Tại đó, chúng sẽ được đúc thành thỏi hoặc trang sức, rồi “rửa” để hòa vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Quy mô khổng lồ của thị trường vàng toàn cầu – đạt hơn 380 tỷ USD vào năm 2024 – khiến vàng bất hợp pháp trở nên cực kỳ có giá trị đối với các tổ chức tội phạm, các chế độ đàn áp bán và buôn lậu vàng, cũng như đối với các thương nhân và nhà tinh chế mua vàng. Kết quả là vàng bất hợp pháp ngày càng trở thành động lực chính của chiến tranh. Ví dụ, tại Sudan, nơi vàng chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, khả năng mua vũ khí của các phe phái tham chiến phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động thu mua và bán vàng bất hợp pháp. Thực tế này đã không ngăn cản UAE nhập khẩu 1 tỷ USD vàng từ Sudan vào năm 2023. Mỏ vàng lớn nhất Sudan thậm chí còn nằm dưới sự kiểm soát của một công ty có liên hệ với Hoàng gia UAE. Theo các cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc và tờ New York Times, UAE thậm chí còn cung cấp vũ khí cho Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) bán quân sự của Sudan – lực lượng mà chính phủ Mỹ xác định đã gây ra nạn diệt chủng ở Sudan – một phần để đảm bảo quyền tiếp cận nguồn vàng của nước này. Abu Dhabi phủ nhận sự liên quan này.
Hoạt động buôn bán vàng cũng giúp duy trì chế độ đàn áp của Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro, người đã bán hơn 1 tỷ USD vàng bất hợp pháp cho các công ty UAE vào năm 2020. Các nhóm vũ trang trong khu vực, những kẻ gây ra các vụ lạm dụng nhân quyền và phá rừng Amazon, bao gồm cả Tren de Aragua, cũng khai thác và buôn bán vàng bất hợp pháp với số tiền lên tới 2,2 tỷ USD mỗi năm.
Ngoài ra, sự tham gia của Nga vào hoạt động buôn bán vàng bất hợp pháp đã tăng vọt khi nhiều quốc gia phương Tây trừng phạt vàng Nga sau cuộc xâm lược toàn diện của nước này Ukraine vào năm 2022. Các biện pháp này đã buộc Nga, nhà sản xuất vàng lớn thứ hai thế giới, phải tìm cách buôn lậu sản phẩm của mình và tìm thêm vàng từ các nguồn bất hợp pháp, bao gồm cả vàng từ cả hai phe xung đột ở Sudan. Và việc UAE nhập khẩu vàng của Nga – 2,5 tỷ USD vào năm 2023 – đã thúc đẩy nền kinh tế chiến tranh của Moscow.
Vàng cũng là nguyên nhân thúc đẩy cuộc xung đột leo thang ở Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi các lực lượng Congo đang chiến đấu chống lại cuộc nổi dậy của phong trào M23 do Rwanda hậu thuẫn. Theo các chuyên gia Liên Hiệp Quốc, vào năm 2022, chính phủ Congo và UAE đã thiết lập thế độc quyền giao dịch vàng trên thực tế ở miền đông Congo, với tổng trị giá 1,9 tỷ USD, và nhiều khả năng bao gồm cả giao dịch vàng xung đột. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã loại bỏ Rwanda và khiến Kigali tức giận; sau đó, lực lượng M23, được chính phủ Rwanda vũ trang và được hỗ trợ bởi 12.000 quân Rwanda, đã chiếm đóng các vùng đất phía đông Congo bao gồm các mỏ vàng của nước này. Rwanda đã cho thành lập một nhà máy lọc dầu và xuất khẩu một lượng vàng kỷ lục trị giá 1,5 tỷ USD vào năm 2024, bất chấp thực tế là quốc gia này gần như không có sản lượng trong nước. Sang năm 2024, Uganda, nước cũng hỗ trợ M23, cũng xuất khẩu lượng vàng kỷ lục 3,4 tỷ USD, bao gồm vàng từ miền đông Congo. Nhóm phát triển Swissaid ước tính rằng từ 32% đến 41% vàng được sản xuất ở vùng Châu Phi cận Sahara vào năm 2022 có thể là vàng bất hợp pháp – cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu. Gần như toàn bộ vàng bất hợp pháp xuất khẩu từ khu vực này đều chảy về UAE.
Giống như nhiều giao dịch tiền mặt khác, hoạt động buôn bán vàng bất hợp pháp chưa được chính phủ và ngành công nghiệp giám sát đầy đủ. Hiện cũng chưa có hệ thống chia sẻ dữ liệu theo thời gian thực về những kẻ buôn lậu vàng, đồng nghĩa là các cơ quan có thẩm quyền trừng phạt các tổ chức buôn lậu vàng thường bị chậm trễ trong việc theo dõi chúng. Dữ liệu công khai duy nhất về nơi vàng được giao dịch là dữ liệu từ hai năm trước, thời điểm này vàng bất hợp pháp đã rời khỏi quốc gia xuất xứ và được “rửa” trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Những khoảng trống dữ liệu này cho phép các quốc gia có rất ít hoặc không có sản lượng trong nước mua bán vàng bất hợp pháp mà không phải gánh chịu hậu quả.
Dù vậy, vẫn có những nỗ lực nhằm kiểm soát tốt hơn hoạt động buôn bán này. Chẳng hạn, vào năm 2012, Hiệp hội Thị trường Vàng Bạc London (LBMA), một hiệp hội thương mại quốc tế về vàng chủ yếu bao gồm các ngân hàng và nhà tinh chế toàn cầu, đã tạo ra một hệ thống thẩm định để kiểm toán các nhà máy tinh chế đối với vàng có rủi ro cao – nghĩa là vàng có thể được khai thác bất hợp pháp hoặc ở vùng xung đột – trong chuỗi cung ứng của họ. Cũng có một hệ thống kiểm toán sơ khai dành cho các mỏ. Một số khu vực, bao gồm khu vực Hồ Lớn của Châu Phi, đã thiết lập các quy trình liên chính phủ để chứng nhận xem các mỏ có không liên quan đến xung đột và không sử dụng lao động trẻ em hay không. Năm 2024, khu vực tư nhân đã giới thiệu một hệ thống cho phép các nhà tinh chế, thợ mỏ, và hiệp hội ngành công nghiệp chia sẻ dữ liệu.
Ngoài ra, còn có những nỗ lực đang nhen nhóm nhằm cản trở những kẻ hưởng lợi từ hoạt động buôn lậu vàng. Bắt đầu từ năm 2020, Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính (FATF) liên chính phủ đã đưa UAE vào “danh sách xám” gồm các quốc gia có rủi ro cao, một phần vì hoạt động buôn bán vàng bất hợp pháp của nước này. Quyết định này đe dọa làm giảm khả năng tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu của UAE; sau khi Abu Dhabi vận động hành lang mạnh mẽ kêu gọi các quốc gia thành viên lực lượng đặc nhiệm và đưa ra một vài cải cách, lực lượng đặc nhiệm đã xóa UAE khỏi danh sách xám của mình. Cùng năm đó, LBMA bắt đầu gây áp lực lên chính phủ các trung tâm giao dịch vàng quốc tế – Trung Quốc, Ấn Độ, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, và UAE – yêu cầu cải cách các hoạt động mua bán vàng của họ. Điều này đã mang lại một số thay đổi. Chẳng hạn, UAE đã thông qua luật yêu cầu kiểm toán độc lập đối với các nhà tinh chế của mình, đình chỉ hoạt động của 30 nhà tinh chế không lưu giữ hồ sơ đúng quy định, và áp thuế doanh nghiệp mới đối với các đại lý vàng.
Về phần mình, Mỹ và Châu Âu cũng đã bắt đầu có hành động quyết liệt hơn một chút. Liên minh Châu Âu vẫn giữ UAE trong danh sách xám của riêng mình, theo đó ảnh hưởng nhẹ đến rủi ro tín dụng và dòng vốn của quốc gia này. Năm 2024, Anh và Mỹ đã trừng phạt một mạng lưới rửa vàng trị giá 300 triệu USD hoạt động tại Hong Kong, Nga, và UAE. Đến đầu năm nay, họ tiếp tục trừng phạt một tập đoàn có trụ sở tại UAE, công ty mẹ của một công ty vàng, vì đã hỗ trợ RSF của Sudan.
Dù các biện pháp này đang bắt đầu tạo ra một số thay đổi đáng hoan nghênh, vàng bất hợp pháp vẫn tiếp tục chảy qua các trung tâm giao dịch và phần lớn những kẻ buôn lậu vàng vẫn không bị cản trở. Nguyên nhân là do các biện pháp này không được thực hiện đầy đủ và có phối hợp, đồng thời không có đủ các hậu quả cụ thể – bao gồm trừng phạt hoặc truy tố – đối với những kẻ buôn lậu vàng bất hợp pháp và các nhà tinh chế mua hàng từ chúng.
ĐI ĐÚNG HƯỚNG
Điều thiết yếu là phải giải quyết vấn đề buôn bán vàng bất hợp pháp trước khi nó biến thành một thị trường chợ đen không thể kiểm soát, bao gồm bọn tội phạm, buôn lậu, các nhóm vũ trang và các chế độ bất hảo, những kẻ đe dọa đến an ninh quốc gia Mỹ và tính toàn vẹn của hệ thống tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, các trung tâm giao dịch vàng chủ chốt vẫn có động lực để cải cách. Các trung tâm này muốn tiếp cận đầy đủ với hệ thống tài chính toàn cầu. FATF sẽ đánh giá lại UAE vào năm 2026, tạo ra sự cấp thiết để UAE hạn chế nạn buôn bán vàng bất hợp pháp diễn ra ở đất nước họ. FATF nên kiểm tra nghiêm ngặt các yêu cầu của Abu Dhabi đối với các nhà nhập khẩu và đại lý vàng thỏi mang vàng từ các quốc gia có rủi ro cao, có thể bằng cách yêu cầu cung cấp hồ sơ tài chính cho toàn bộ lượng vàng nhập khẩu và thực hiện kiểm toán thẩm định. Họ cũng nên kêu gọi chấm dứt các giao dịch vàng bằng tiền mặt vượt quá số lượng tối thiểu.
Các trung tâm giao dịch cũng tìm kiếm tính chính danh lớn hơn trên thị trường vàng toàn cầu để bán được nhiều vàng hơn và cải thiện danh tiếng quốc tế của mình, đặc biệt là khi đối mặt với sự cạnh tranh tinh luyện mới ở Qatar và UAE. Các tổ chức như LBMA có thể cung cấp các lợi ích cho các trung tâm giao dịch này – chẳng hạn như chấp nhận một số nhà tinh chế của họ làm thành viên – nếu họ cải cách và thực hiện đầy đủ các chính sách tiền mặt đổi vàng và hải quan. Nếu họ không làm được như vậy, họ sẽ bị cắt khỏi thị trường của hiệp hội. Năm 2022, cả LBMA và Hội đồng Vàng Thế giới đã ra mắt một chương trình đảm bảo tính toàn vẹn của vàng thỏi sử dụng công nghệ blockchain để giúp các giao dịch vàng dễ theo dõi hơn. Họ có thể đề nghị đưa các nhà máy tinh chế có trụ sở tại UAE vào chương trình của mình nếu các cơ sở đó đồng ý tuân thủ các biện pháp thẩm định và minh bạch nghiêm ngặt hơn nhiều; điều này sẽ mở đường cho các nhà máy tinh chế tham gia thị trường khổng lồ của LBMA và giúp họ giành được uy tín trong thương mại vàng toàn cầu.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng có một vai trò quan trọng là nền tảng để các chính phủ, khu vực tư nhân, và xã hội dân sự phối hợp và chia sẻ thông tin về vàng bất hợp pháp. Các ngân hàng và thợ kim hoàn cũng phải tăng cường nỗ lực thẩm định của mình ví dụ bằng cách đánh dấu đỏ vàng xuất khẩu từ các trung tâm giao dịch được biết là mua bán vàng bất hợp pháp, cấm các giao dịch tiền mặt đối với số lượng vàng lớn, và yêu cầu bằng chứng thanh toán cho tất cả vàng nhập khẩu, thay vì chỉ yêu cầu chứng nhận xuất xứ, vốn là thứ dễ làm giả.
Khi còn là thượng nghị sĩ, Rubio từng gọi hoạt động buôn bán vàng bất hợp pháp là “mối đe dọa trực tiếp” đối với an ninh quốc gia Mỹ vì cách thức hoạt động này củng cố chế độ Maduro và yêu cầu Washington phải ngăn chặn chúng. Giờ đây, với tư cách là nhân vật trung tâm của chính quyền Trump, Rubio có cơ hội để làm như vậy. Ông nên giúp lãnh đạo sáng kiến công-tư chống vàng bất hợp pháp, hợp tác với LBMA, Hội đồng Vàng Thế giới, các ngân hàng vàng thỏi và ngân hàng trung ương, cùng các đồng minh như Anh và EU. Thực thể được thành lập dựa trên sáng kiến này nên công bố dữ liệu thời gian thực liên quan đến hoạt động buôn bán vàng, theo đó giúp hạn chế nạn buôn lậu bằng cách cho phép các ngân hàng và nhà tinh chế ngay lập tức cắt giảm vàng bất hợp pháp có rủi ro cao, giám sát độc lập các trung tâm thương mại để bắt giữ những kẻ buôn lậu, và chứng nhận các trung tâm có liên quan là không có xung đột. Chính phủ Mỹ nên làm việc với cơ quan hải quan của UAE, một đối tác chiến lược của họ, để xác định các mô hình và công ty buôn lậu vàng, đồng thời giúp truy tố và trừng phạt những kẻ xấu.
Rubio và Bessent cũng nên thành lập một lực lượng đặc nhiệm chống vàng bất hợp pháp của chính phủ Mỹ để điều tra và trừng phạt các mạng lưới buôn bán vàng. Các lệnh trừng phạt gần đây đối với các mạng lưới như vậy, bao gồm các lệnh trừng phạt của Anh và Mỹ đối với các công ty có trụ sở tại UAE và các lệnh trừng phạt của EU đối với một nhà máy lọc dầu của Rwanda, là một khởi đầu tốt, nhưng để có hiệu lực toàn cầu, các lệnh trừng phạt này phải có phạm vi rộng hơn và được phối hợp chặt chẽ hơn. Là một phần của lực lượng đặc nhiệm, Mạng lưới Thực thi Tội phạm Tài chính của Bộ Tài chính Mỹ có thể đưa ra cảnh báo, trao đổi thông tin với các ngân hàng và nhà máy lọc dầu để cập nhật thông tin về những kẻ buôn lậu và khuyến khích các thực thể giao dịch nộp báo cáo về các giao dịch đáng ngờ. Bộ Ngoại giao cũng có thể khuyến khích các nhà vận chuyển và thợ kim hoàn chia sẻ bất kỳ thông tin nào họ có về các mạng lưới buôn lậu.
Những nhân tố bất hảo đang thu lời ngày một nhiều từ vàng bất hợp pháp. Nhưng nếu chính phủ Mỹ hợp tác với ngành công nghiệp và các đồng minh chủ chốt, họ có thể giúp chấm dứt hoạt động buôn bán chết chóc này và củng cố lợi ích an ninh của chính mình. Nhắm mục tiêu vào các điểm yếucủa hệ thống – các nhà máy tinh chế, trung tâm giao dịch, và các chính phủ cho phép buôn bán bất hợp pháp – chính là bước đầu tiên.
Theo Nghiên cứu Quốc tế
Sasha Lezhnev là cố vấn chính sách cấp cao tại Sentry.
John Prendergast là đồng sáng lập của Sentry.